Bản tin pháp lý số 03 – 2023 cập nhật một số văn bản pháp luật nổi bật từ ngày 20/02 đến 24/02/2023 trong các lĩnh vực như sau:
I. DOANH NGHIỆP VÀ ĐẦU TƯ
Bộ Tài chính đề xuất thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng
Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) để thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT (chuyển một số hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%).
Cụ thể, về đối tượng không chịu thuế GTGT, Bộ Tài chính cho biết Luật Thuế GTGT hiện hành quy định một số nhóm dịch vụ công ích như: Dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập, dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng;… thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
II. TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG & CHỨNG KHOÁN
NHNN vào cuộc xử lý nghiêm các ngân hàng ép mua bảo hiểm
Ngày 15/02/2023, NHNN đã ban hành Công văn 506/NHNN-TTGSNH về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm.
Tại công văn này, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.
Ngày 21/02/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có thông cáo báo chí phát đi về việc TCTD có hiện tượng tác động đến khách hàng để cung ứng dịch vụ bảo hiểm. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các văn bản có liên quan; cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm… đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm. Các TCTD không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các TCTD rà soát, nghiên cứu xây dựng, cập nhật các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc để không gây áp lực đối với nhân viên/đơn vị kinh doanh trong việc giới thiệu bán các sản phẩm bảo hiểm, không để xảy ra trường hợp nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm; tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động đại lý bao hiểm.
III. ĐẤT ĐAI, XÂY DỰNG & KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN
Công điện 32/CĐ-TTg: lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần hai
Ngày 12/02/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 31/CĐ-TTg năm 2023 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thực hiện Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Qua báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch để tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, qua phản ánh thì tiến độ triển khai lấy ý kiến Nhân dân ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm. Để bảo đảm thực hiện tốt Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 170/NQ-CP của Chính phủ, yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ nói trên.
IV. LĨNH VỰC KHÁC
1. Từ ngày 01/07/2023, áp dụng bảng lương cơ sở mới cho cán bộ, công chức, viên chức
Ngày 11/11/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, từ 01/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; lương cơ sở thêm 20,8% vào năm 2023 thì mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng thêm 310.000 đồng/tháng.
Căn cứ tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP, tiền lương của cán bộ, công chức viên chức hiện nay được quy định mức lương cơ sở dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 38/2019/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, mức lương cơ sở sẽ là căn cứ để tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
2. Người đạt kiểm định đầu vào được miễn thi vòng 1 công chức
Ngày 21/02/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Theo đó, việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/7/2024 theo quy định tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào của Bộ Nội vụ khi tham gia thi tuyển công chức không phải thi vòng 1. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức tổ chức định kỳ hằng năm vào tháng 7 và tháng 11.
Nghị định 06/2023/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.
3. Quy chế phối hợp phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố
Ngày 08/02/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 64/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Quy chế này quy định về nguyên tắc, hình thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố. Trong đó, về nguyên tắc, đảm bảo phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan trong quá trình hoạt động; đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với các điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia, ký kết trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đảm bảo đúng nội dung, hiệu quả; bảo đảm tuân thủ pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước. Chỉ sử dụng thông tin được cung cấp phục vụ công tác nghiệp vụ và công tác tố tụng khi đủ điều kiện.
Người đọc quan tâm có thể tải Bản tin tại đây: Bản tin pháp lý số 03 – 2023