Bản tin pháp lý số 12 – 2023 cập nhật một số văn bản pháp luật nổi bật từ ngày 24/4 đến 30/4/2023 trong các lĩnh vực như sau:
I. THƯƠNG MẠI
1. Sửa đổi, bổ sung điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp
Ngày 28/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Qua đó, Chính phủ ban hành một số sửa đổi, bổ sung đối với điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với một số điểm chính đáng chú ý như sau:
– Sửa đổi quy định về doanh nghiệp bán hàng đa cấp: Nếu như theo quy định cũ tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP thì doanh nghiệp bán hàng đa cấp được quy định “là doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để bán hàng hóa” thì nay Nghị định số 18/2023/NĐ-CP đã quy định chi tiết hơn về doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Theo đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp được quy định là doanh nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định của Nghị định số 18/2023/NĐ-CP.
– Sửa đổi, bổ sung một số điều kiện đối với tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.
– Bổ sung điều kiện với trường hợp tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông: Trong trường hợp này, tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đó phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp trong thực tế tối thiểu là 03 năm liên tục ở một nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.
– Bổ sung quy định doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trong trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên toàn quốc.
– Bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp: Theo đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp (i) phải đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó; và (ii) không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
– Bổ sung quy định trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp. Theo đó, người tham gia bán hàng đa cấp không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Nghị định số 18/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/6/2023.
2. Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền
Ngày 28/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền. Nghị định số 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Phòng, chống rửa tiền về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; nhận biết khách hàng; tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi; giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo; thu thập, xử lý và phân tích thông tin phòng, chống rửa tiền; trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước; căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận báo cáo trì hoãn giao dịch. Chi tiết được quy định tại Nghị định số 19/2023/NĐ-CP.
Nghị định số 19/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký.
II. TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG
1. Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có hiệu lực
Ngày 24/4/2023, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn bắt đầu có hiệu lực. Thông tư này đã tạo khung pháp lý cho các Tổ chức tín dụng (“TCTD”) được phép thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ và được giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ theo quy định hiện cho các khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, các khoản vay hoặc nợ cho thuê tài chính phát sinh trước ngày 24/4/2023 và có phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi từ 24/4/2023 cho đến hết 30/6/2024 sẽ được phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tuy nhiên chỉ áp dụng đối với số dư nợ còn trong hạn hoặc đã quá hạn nhưng không quá 10 ngày tính từ ngày đến hạn theo hợp đồng vay, cho thuê tài chính. Thời hạn cơ cấu lại thời hạn trả nợ (hoặc gia hạn nợ) dựa trên đánh giá của TCTD về mức độ khó khăn của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn ban đầu của khoản dư nợ được cơ cấu và trong mọi trường hợp sẽ kết thúc khi hết ngày 30/6/2024.
Đối với khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ ở nhóm 1, TCTD không được hạch toán thu nhập tiền lãi dự thu kể từ ngày cơ cấu lại và chỉ hạch toán thu nhập khi thu được.
Bên cạnh đó, TCTD thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN vẫn phải trích lập dự phòng cụ thể đối với toàn bộ số dư nợ được cơ cấu lại của khách hàng theo quy định hiện hành theo nhóm nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đồng thời phải xác định số dự phòng cụ thể đối với toàn bộ dự nợ như khi nó không được giữ nguyên nhóm nợ. Số chênh lệch giữa hai số dự phòng cụ thể này, nếu dương thì TCTD phải trích lập 50% số đó trước 31/12/2024 và 50% còn lại trước 31/12/2024. Đây là phương án thuận lợi hơn cho các TCTD giúp TCTD không phải dự thu lãi đối với khoản dư nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm 1 và rồi phải thoái thu khi khách hàng không thực trả được nợ để tiếp tục nhảy nhóm nợ 3 tháng sau đó và đồng thời được làm chậm lại khoản chi phí trích lập dự phòng cho các khoản nợ có vấn đề để có thể có nguồn lực cho kinh doanh.
Đối với khách hàng gặp khó khăn, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN đã làm giảm áp lực về thời gian trả nợ và hạn chế được tình trạng vi phạm chéo nếu có khoản nợ ở TCTD khác do việc bị nhảy nhóm nợ xấu theo kết quả phân loại nợ.
2. Quy định ngưng hiệu lực thi hành của quy định hạn chế tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (“trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết”) sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết đó hoặc trái phiếu được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán bắt đầu có hiệu lực
Ngày 24/4/2023, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, từ ngày 24/4/2023 cho đến hết 31/12/2023, ngân hàng được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán mà không cần chờ 12 tháng theo quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-NHNN. Điều kiện để ngân hàng thực hiện mua trái phiếu trong trường hợp này là:
(i) trái phiếu phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN;
(ii) bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu; và
(iii) doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy tắc xếp hạng tín nhiệm nội bộ của ngân hàng.
Việc ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN được đánh giá là nỗ lực từ phía Ngân hàng Nhà nước để góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, giải pháp của Thông tư số 03/2023/TT-NHNN có thể không đem lại hiệu quả giải cứu vì chính điều kiện thứ ba “doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy tắc xếp hạng tín nhiệm nội bộ của ngân hàng”. Trong điều kiện thị trường hiện tại, các trái phiếu đã được tổ chức tín dụng xếp hạng loại cao nhất thì thường nhà đầu tư nắm giữ sẽ không bán lại, loại trái phiếu họ muốn bán lại thường là loại mà bản thân nhà đầu tư cảm thấy có rủi ro và với các loại trái phiếu được doanh nghiệp chào bán lại sẽ khó tìm được người mua lớn là tổ chức tín dụng.
Người đọc quan tâm có thể tải Bản tin tại đây: Bản tin pháp lý số 12 – 2023.