Sorting by

×
 

Bản tin pháp lý số 18 – 2023

Bản tin pháp lý số 18 – 2023 cập nhật một số văn bản pháp luật nổi bật từ ngày 05/6 đến ngày 11/6/2023 trong các lĩnh vực như sau:

I. KINH DOANH, THƯƠNG MẠI

1. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn

Ngày 05/6/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn. Cụ thể:

(i) Sửa đổi các quy định của Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg liên quan đến xác định vùng khó khăn, đối tượng được vay vốn, mức vốn cho vay, lãi suất cho vay, bảo đảm tiền vay, xử lý rủi ro;

(ii) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg liên quan đến xác định vùng khó khăn, mức vốn cho vay, bảo đảm tiền vay.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 08/8/2023.

2. Ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 10/2018/TT-BCT ngày 24/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018

Ngày 05/6/2023, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2018/TT-BCT ngày 24/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Công thương. Qua đó, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy trình tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương, hình thức kiểm tra và đánh giá kết quả kiểm tra, xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, xác nhận kiến thức cho đầu mối tại địa phương và quy định về thu hồi xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, xác nhận kiến thức cho đầu mối tại địa phương.

Thông tư số 12/2023/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 21/7/2023.

3. Ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới

Ngày 08/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Cụ thể như sau:

(i) Sửa đổi điều kiện về cơ cấu tổ chức, nhân lực của đơn vị đăng kiểm xe cơ giới

– Cơ cấu tổ chức của đơn vị đăng kiểm phải có tối thiểu các bộ phận sau:

+ Bộ phận lãnh đạo: Gồm Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc phụ trách đơn vị đăng kiểm để tổ chức quản lý, điều hành đơn vị đăng kiểm; trong đó có tối thiểu 01 lãnh đạo đơn vị đủ điều kiện ký giấy chứng nhận kiểm định được quy định tại Điều 24 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 30/2023/NĐ-CP);

+ Bộ phận kiểm định: Gồm phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên để thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của phương tiện;

+ Bộ phận văn phòng: Gồm nhân viên nghiệp vụ và các nhân viên khác để thực hiện các công việc văn phòng, hỗ trợ hoạt động kiểm định.

– Nhân lực của đơn vị đăng kiểm:

+ Có tối thiểu 01 lãnh đạo có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 30/2023/NĐ-CP);

+ Có tối thiểu 01 phụ trách bộ phận kiểm định;

+ Dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 02 đăng kiểm viên bảo đảm thực hiện đủ các công đoạn kiểm định;

+ Các nhân sự được tham gia kiểm định tại các dây chuyền kiểm định và được tính là đăng kiểm viên trên dây chuyền kiểm định;

+ Có nhân viên nghiệp vụ để thực hiện các công việc được quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 30/2023/NĐ-CP).

(ii) Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới

Theo đó, khoản 3 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới như sau:

– Chỉ tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới mới được phép hoạt động kiểm định xe cơ giới;

– Hoạt động kiểm định phải bảo đảm tính độc lập, khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật;

– Trong trường hợp hệ thống các đơn vị đăng kiểm không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của tổ chức và cá nhân thì cho phép huy động đơn vị đăng kiểm và nhân lực của lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân tham gia hỗ trợ kiểm định xe cơ giới thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP;

– Việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, trong đó có xét đến các yếu tố đặc thù của các địa phương, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện được đăng ký trên địa bàn; khuyến khích ứng dụng công nghệ, thiết bị kiểm định hiện đại;

– Vị trí xây dựng đơn vị đăng kiểm phải tuân thủ quy định về đấu nối, kết nối hệ thống giao thông; thuận tiện cho xe cơ giới ra vào kiểm định; bảo đảm an toàn, thuận lợi trong quá trình hoạt động, không gây cản trở và ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

(iii) Ngoài ra, Nghị định số 30/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện cơ sở vật chất, quy định về thủ tục, trình tự cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, thủ tục, trình tự cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới…

Nghị định số 30/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 08/6/2023.

II. THUẾ, PHÍ, LỆ PHÍ

Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)

Ngày 06/6/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 36/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Một số nội dung chính được quy định tại Thông tư số 36/2023/TT-BTC gồm có:

(i) Đối tượng nộp phí cấp giấy chứng nhận C/O:

Người nộp phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại khoản 17 Điều 3 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương 2017 về xuất xứ hàng hóa, có hồ sơ đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

(ii) Cơ quan có thẩm quyền thu phí cấp giấy chứng nhận C/O:

Tổ chức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định pháp luật quản lý ngoại thương, gồm:

– Bộ Công thương.

– Tổ chức khác được Bộ Công thương ủy quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

(iii) Mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O):

– Trường hợp cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 60.000 đồng/bộ;

– Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 30.000 đồng/bộ.

(iv) Kê khai, nộp phí thu phí cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O):

– Người nộp phí (thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) thực hiện nộp phí cho tổ chức thu phí khi nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

– Chậm nhất ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí nộp toàn bộ số phí thu được của tháng trước, tiền lãi phát sinh trên số dư tài khoản chuyên thu phí mở tại tổ chức tín dụng (nếu có) vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của Bộ Công thương mở tại Kho bạc Nhà nước;

– Bộ Công thương kê khai, nộp, quyết toán phí và nộp tiền lãi phát sinh (trong tài khoản phí chờ nộp ngân sách của Bộ Công thương mở tại Kho bạc Nhà nước) theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Thông tư số 36/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 21/7/2023.

Người đọc quan tâm có thể tải Bản tin tại đây: Bản tin pháp lý số 18 – 2023.