Sorting by

×
 

Bản tin pháp lý số 08 – 2023

Bản tin pháp lý số 08 – 2023 cập nhật một số văn bản pháp luật nổi bật từ ngày 27/3 đến 02/4/2023 trong các lĩnh vực như sau:

I. KINH DOANH THƯƠNG MẠI

Ngày 29/03/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 319/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử (TMĐT) đến năm 2025

Theo Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 29/03/2023, Thủ tướng Chính phủ đặt ra những mục tiêu cụ thể như sau:

– Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động TMĐT; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

– Phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.

– 100% đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT được đào tạo, trang bị kiến thức về TMĐT, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

– 100% các sàn giao dịch TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả.

– 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh.

– 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.

Ngoài ra, các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đề án cùng những vấn đề liên quan khác được quy định chi tiết tại Quyết định 319/QĐ-TTg.

Quyết định 319/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký.

II. TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG & CHỨNG KHOÁN

1. Quy định về hoạt động bảo lãnh điện tử bắt đầu có hiệu lực

Kể từ ngày 01/04/2023, Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng có hiệu lực và thay thế các Thông tư trước đó của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động bảo lãnh ngân hàng gồm: (i) Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng; và (ii) Thông tư số 13/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Khi Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng có hiệu lực, các quy định mới của Thông tư này về hoạt động bảo lãnh điện tử cũng bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, cùng với các hình thức bảo lãnh thông thường, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (sau đây gọi là hoạt động bảo lãnh điện tử), việc thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử được thực hiện trên cơ sở đáp ứng một số nội dung cơ bản sau:

– Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền, giao dịch điện tử, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình bảo lãnh, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu quy định tại Thông tư này;

– Đảm bảo đáp ứng các điều kiện tương ứng khi thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử;

– Đảm bảo giá trị tối đa của mỗi cam kết bảo lãnh phát hành cho khách hàng cá nhân không quá 4.000.000.000 (bốn tỷ đồng) và phát hành cho khách hàng tổ chức không quá 45.000.000.000 (bốn mươi lăm tỷ đồng) trong trường hợp thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử, trừ một số ngoại lệ được quy định cụ thể tại Thông tư này;

– Hệ thống thông tin thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải tuân thủ theo quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng;

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu bảo lãnh điện tử theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, bảo mật và được sao lưu dự phòng đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của hồ sơ cho phép truy cập, sử dụng khi cần thiết hoặc để phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Nội dung chi tiết về hoạt động bảo lãnh điện tử được quy định tại Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Ngân hàng Nhà nước.

2. Ngày 31/3/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 575/QĐ-NHNN (“Quyết định 575”) về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng Đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014

Quyết định 575 có hiệu lực kể từ ngày 03/4/2023 và thay thế Quyết định số 1812/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014 (“Quyết định 1812”).

Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Quyết định 575 giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất này quy định tại Quyết định 1812, cụ thể:

– Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng giảm từ 1,0%/năm (theo Quyết định 1812) xuống còn 0,5%/năm.

– Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng giảm từ 6,0%/năm (theo Quyết định 1812) xuống còn 5,5%/năm.

– Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng (áp dụng với Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) giảm từ 6,5%/năm (theo Quyết định 1812) xuống còn 6,0%/năm.

3. Ngày 31/3/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 576/QĐ-NHNN (“Quyết định 576”) về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016

Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa quy định tại Quyết định 576 được áp dụng đối với nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là:

(i) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

(ii) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;

(iii) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

(iv) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

(v) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

Quyết định 576 có hiệu lực kể từ ngày 03/4/2023 và thay thế Quyết định số 314/QĐ-NHNN ngày 14/3/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 (“Quyết định 314”).

Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại Quyết định 576 giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất này quy định tại Quyết định 314, cụ thể như sau:

– Áp dụng với Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô): giảm từ 5,0%/năm (theo Quyết định 314/QĐ-NHNN) xuống còn 4.5%/năm.

– Áp dụng với Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô: giảm từ 6.0%/năm (theo Quyết định 314/QĐ-NHNN) xuống còn 5,5%/năm.

III. ĐẤT ĐAI, XÂY DỰNG & KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN

Sửa đổi một số quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Kể từ ngày 01/04/2023, hoạt động bảo lãnh trong bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai) được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh một số nội dung trong hoạt động bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai như sau:

– Bổ sung khái niệm “Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai”:

Thay vì diễn giải thế nào là bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai tại điều luật cụ thể, Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một khái niệm rõ ràng về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, “Bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (sau đây gọi là bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai) là bảo lãnh ngân hàng, theo đó bên bảo lãnh là ngân hàng thương mại cam kết với bên nhận bảo lãnh là bên mua, bên thuê mua (sau đây gọi là bên mua) về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh là chủ đầu tư khi đến thời hạn giao, nhận nhà ở đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở đã ký kết; chủ đầu tư phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thỏa thuận đã ký. Trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng, bên bảo lãnh đối ứng cam kết với ngân hàng thương mại về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân hàng thương mại khi ngân hàng thương mại phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho chủ đầu tư; chủ đầu tư phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh đối ứng theo thỏa thuận đã ký”.

– Bổ sung khái niệm “Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai”:

Tương tự với khái niệm bảo lãnh nhà ở trong tương lai, Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra khái niệm cụ thể về hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, “Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là thỏa thuận cấp bảo lãnh giữa ngân hàng thương mại với chủ đầu tư và các bên liên quan khác (nếu có) về việc ngân hàng thương mại chấp thuận bảo lãnh cho chủ đầu tư trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai”.

– Thay đổi điều kiện để Ngân hàng thương mại được phép thực hiện hoạt động bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:

Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Ngân hàng Nhà nước đã quy định các điều kiện khắt khe và thực tế hơn khi xác định Ngân hàng thương mại có năng lực thực hiện hoạt động bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Cụ thể:

Theo quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngoài việc đáp ứng điều kiện trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng, Ngân hàng thương mại được coi là có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi “không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt”.

Kể từ ngày 01/04/2023, theo quy định tại Điều 13 của Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại được coi là có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi:

(i) Trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng;

(ii) Không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Như vậy, có thể thấy rằng, với quy định cũ, Ngân hàng thương mại chỉ được coi là không có năng lực thực hiện hoạt động bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai nếu Ngân hàng đó “(i) đang trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt đồng thời (ii) bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai” nhưng với quy định thay thế tại Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại được coi là không đủ năng lực bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai nếu bị “cấm, hạn chế, đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai” mà không cần xét đến việc Ngân hàng thương mại đó có đang trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt hay không.

IV. LĨNH VỰC KHÁC

Quyết định sửa đổi 18 thủ tục hành chính về cạnh tranh, thương mại bắt đầu có hiệu lực

Quyết định 608/QĐ-BCT ngày 09/3/2023 công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực quản lý cạnh tranh, dịch vụ thương mại thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công thương. Theo đó, Quyết định này đã sửa đổi 18 thủ tục hành chính về cạnh tranh, thương mại tại cấp Trung ương và cấp tỉnh.

Các sửa đổi được quy định chi tiết tại Quyết định 608/QĐ-BCT. Quyết định 608/QĐ-BCT có hiệu lực từ ngày 01/4/2023.

Người đọc quan tâm có thể tải Bản tin tại đây: Bản tin pháp lý số 08 – 2023